Những manga đọc vào ngày Halloween

1. UZUMAKI - ( Tác giả: Junji Ito)










Hãy nhìn kĩ để nhận ra...

Có người đã nhận xét, đối với các fan của manga kinh dị, một Halloween thiếu Uzumaki thì chẳng khác nào Giáng sinh không có cây thông Noel (!) Và dường như nhận xét ấy cũng không phải là thiếu căn cứ.

Uzumaki là một ví dụ tiêu biểu cho trình độ thượng thừa của Junji Ito sensei trong dòng manga này. Không một fan nào của horror manga (Truyện tranh kinh dị Nhật Bản) lại chưa từng đọc Uzumaki. Đó là câu chuyện kể về một thị trấn nhỏ ven biển của Nhật có tên Kurouzu-cho - một thị trấn bị nguyền rủa.

Uzumaki được vẽ khá cẩn thận và chi tiết, nhưng với xu hướng tạo ám ảnh nhiều hơn là sợ hãi. Vì vậy, nếu bạn là người ưa thích thể loại kinh dị theo kiểu Tây Phương với các pha giật gân đầy máu me thì Uzumaki không phải là một lựa chọn thích hợp. Giống như một bức tranh với các mảng màu hỗn độn về phần “con” trong mỗi “con người”, về phần điên loạn ẩn sâu trong tâm thức, đến với Uzumaki, bạn sẽ bắt gặp một thể giới gần như bị bóc trần, với những đố kỵ, tham lam, ích kỷ, độc ác… - nơi mà tình yêu, tình cảm gia đình cũng có vẻ bị vặn vẹo cho đến méo mó để vắt kiệt ra một thứ gì đó gọi là bản chất.

Hãy đọc và cùng cảm nhận nỗi ám ảnh đến từ những hình xoắn ốc.

2. MPD-PSYCHO - (Tác giả: Eiji OtsukaSho-u Tahima)
















Bìa các tập của MPD-Psycho

Chỉ cần đọc sơ qua vài trang đầu của truyện, hoặc thậm chí chỉ cần nhìn art-style, (phong cách vẽ) bạn cũng đã có thể cảm nhận được cái rợn người của MPD-Psycho. Nhân vật chính - Amamiya, một viên cảnh sát hình sự ở Tokyo - vào một buổi sáng tại sở làm, anh bỗng nhiên nhận được một gói bưu kiện lớn. Khi mở ra, bên trong chính là cơ thể không còn lành lặn của người yêu anh đang được ngâm trong phoóc môn. Kể từ đó, những vụ giết người rùng rợn luôn ập đến với anh. Amamiya vừa phải phá án vừa phải tìm ra bí mật về quá khứ của mình. Từng lớp từng lớp ký ức được mở ra, và cái kết khủng khiếp đang chờ đón Amamiya ở phía trước là gì?

MPD-Psycho là một sự kết hợp quá tuyệt vời giữa ba yếu tố: kinh dị, trinh thám và tâm lý. Những cách thức giết người không ai hình dung nổi, những nút thắt tưởng chừng không thể tháo gỡ, những pha cân não nghẹt thở, và cả những câu chuyện ẩn giấu nỗi đau nhân sinh. Nét vẽ đẹp và lạnh lùng của Eiji sensei đã thể hiện rất tốt sự điên cuồng bệnh hoạn của những kẻ sát nhân máu lạnh trong truyện, khiến bất cứ ai đã từng đọc qua đều không thể dễ dàng quên được MPD-PSYCHO.

3. FUAN NO TANE - (Tác giả: Nakayama Masaaki)







"Xin lỗi, tôi đi nhầm nhà"

Fuan no Tane không có những yếu tố của một manga kinh dị thường gặp mà có thể bạn đang trông đợi. Những câu chuyện của Fuan no Tane, trong suốt 3 tập truyện của nó, chỉ đơn giản là kể về một thế giới siêu nhiên tồn tại quanh cuộc sống của chúng ta, những truyền thuyết thành thị vẫn còn ám ảnh. Những câu chuyện hầu như không có nội dung và cũng chẳng có cao trào. Tất cả, chỉ đơn giản như một buổi tối, bạn chợt bị gõ cửa bởi một hồn ma. Rồi nó nói:"Xin lỗi, tôi đi nhầm nhà". Một cô gái đêm nào cũng nhảy lầu bên cạnh nhà bạn. Một bàn tay xuất hiện trên bàn nhà bạn lúc đêm khuya.

Cách kể của Masaaki sensei cũng khá thoải mái, giống như nghe kể chuyện trên đài giữa đêm khuya, có thể làm bạn bị... buồn ngủ lúc bắt đầu, trước khi điều thực sự kì quái sẽ len vào.

Fuan no Tane không phải, và sẽ không thể là một manga kinh dị thuộc hàng xuất sắc nhất, nhưng là một manga kinh dị lạ về nhiều mặt. Nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị sang cái gì đó gần gũi nhưng thô ráp, nhẹ nhàng nhưng ám ảnh hơn những con quái vật, những hình người vặn xoắn méo mó hay những chuyện kì quái rợn tóc gáy, thì Fuan no Tane xứng đáng là lựa chọn cho bạn.

4. Rabbit DOUBT - ( tác giả: TONOGAI Yoshiki)


“Ngày kia, một con sói trà trộn vào một đàn thỏ. Khi những con thỏ ngủ, con sói hiện nguyên hình. Ngày qua ngày, con sói từ từ giết và ăn thịt từng con thỏ. Đàn thỏ không biết con nào là sói nên đã mở một cuộc họp. Rồi chúng quyết định chọn một con thỏ mà chúng tin rằng đó là sói và giết nó. Nếu chúng đúng, lũ thỏ thắng. Nếu chúng sai, toàn bộ lũ thỏ sẽ bị sói giết và ăn thịt.”

Đây là nội dung của một trò chơi. Nhưng khi trò chơi trở thành hiện thực, những người chơi trở thành đàn thỏ, thì mọi chuyện trở nên ngoài sức tưởng tượng.

Vẫn là câu nói quen thuộc “Kẻ giết người đang ở ngay trong phòng này”, trong một không gian kín với những người vừa mới quen nhau, cộng với một cái xác. Thế nhưng đó là một trò chơi kinh dị, nơi mà không ai đoán trước điều gì sẽ xảy ra, và là nơi không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng cái ác. Thế nên nó trở nên quay cuồng và đáng sợ hơn nhiều so với những tác phẩm thuộc thể loại trinh thám thường gặp.

Nói đến Rabbit Doubt, là nói đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 yếu tố: trinh thám, siêu nhiên và kinh dị - mà phần kinh dị là nổi bật nhất, và cũng chính là thứ đã làm nên sức quyến rũ chết người của một trò chơi mà kẻ thua sẽ phải trả giá bằng mạng sống.

5. LOVESICK DEAD - (Tác giả: Junji Ito)


Bạn đã nghe đến “bói toán qua đường” chưa?

Đấy là tên một trò chơi khá đáng yêu của thanh niên Nhật ở một thị trấn nhỏ. Luật chơi khá đơn giản. Bạn che mặt đứng ở giao lộ, chờ người đầu tiên ghé qua và nhờ người đó “tiên tri” một điều gì đó cho mình. Thường là chuyện tình cảm. Nếu gặp người tốt bụng chúc lành cho bạn thì thật là may, còn nếu phải người ác ý nói toàn chuyện gở, thì hoặc là trở về nhà âu sầu, hay đứng đó…chờ người khác.

Đáng yêu? Vâng.

Nhưng trong thế giới của Junji Ito, trò chơi ấy đã trở thành sân khấu của tử thần.

Câu chuyện xoay quanh một học sinh cấp ba, Ryuusuke Fukata, trở về thị trấn quê hương mình trong nỗi ám ảnh và day dứt không nguôi. Tâm hồn cậu bị đè nặng bởi một sai lầm trong quá khứ, liên quan đến chính trò chơi “Bói toán qua đường” này. Khi trở về, Fukata nhận ra trong sự kinh hoàng rằng, trò chơi này đã trở lại, và trở lại cùng nó là một bóng ma đáng sợ…

Sự tàn nghiệt của trò chơi ấy, sự nhẹ dạ cả tin, trẻ con và ngây thơ của những người tham gia trò chơi, và cả sự dối trá ẩn trong từng người là con đường đẩy người xuống bi kịch. Biết là chết mà vẫn bám víu, sự tuyệt vọng ấy thật đáng sợ khi đã hóa thành mê cuồng, và cũng có cái gì thật đáng thương.

THE DRIFTING CLASSROOM by Kazuo Umezu



Đừng hỏi vì sao tên của Kazuo Umezu-sensei được đem ra làm tên giải thưởng cho các mangaka thuộc dòng kinh dị nếu bạn chưa đọc THE DRIFTING CLASSROOM. Series dài hơi này thực sự đã dẫn dắt người đọc đến với những nơi sâu thẳm nhất trong trí tưởng tượng của Umezu. Và với phong cách không gì sánh được của ông, qua 11 volume đồ sộ, THE DRIFTING CLASSROOM gần như trở thành một thành tựu không ai có thể lặp lại.


Câu chuyện kể về một ngôi trường tiểu học ở ngoại ô không may rơi trúng vào tâm của một cơn động đất. Khi đó, giờ học bình thường vừa mới bắt đầu. Nhưng nếu đó là một cơn động đất bình thường thì đã không phải là Kazuo Umezu. Ngôi trường bị chuyển tới một hoang mạc bí ẩn, khiến cho không những chỉ các học sinh và giáo viên bị di chuyển mà ngay cả những người còn sót lại cũng đều rơi vào trạng thái rối loạn hoàn toàn. Umezu là ông hoàng trong việc đặt trẻ em vào hoàn cảnh ngặt nghèo, nơi nguy hiểm của hoang mạc chỉ là thứ yếu so với nguy hiểm đến từ bên trong ngôi trường.

SCARY BOOK - Kazuo Umezu



Umezu
là một trong những tác giả chuyên vẽ manga kinh dị vào hàng nổi tiếng của Nhật Bản. Phong cách của ông hơi cổ điển, thậm chí nếu mới nhìn qua còn có vẻ lỗi thời, nhưng sự thực, manga mà ông sáng tác ra không hề chịu ảnh hưởng của thời gian. SCARY BOOK là minh chứng xác thực nhất. Tuy chỉ là một tuyển tập gồm vỏn vẹn 3 volumes, song những oneshot trong đó sẽ tái hiện lại trước mắt người đọc các câu chuyện rùng rợn thường được lưu truyền ở Nhật sinh động đến sởn tóc gáy. Nào, hãy tưởng tượng một ngày bạn đang soi gương...

MUSEUM OF TERROR - Junji Ito




MUSEUM OF TERROR cũng là một series 3 volumes khác trong dòng manga kinh dị. Các oneshot trong đó được xuất bản rải rác từ năm 1987 đến năm 2000. Hai vol đầu tràn ngập hình ảnh nhân vật kinh dị nổi tiếng nhất của Junji ItoTomie – một ma nữ xinh đẹp có khả năng hấp dẫn người khác thành nô lệ cho mình. Vol cuối là một câu chuyện kinh dị mang màu sắc Gothic riêng biệt khác, tuy nhiên không nổi tiếng bằng Tomie. Không giống như SCARY BOOK, sự đứt đoạn trong mạch truyện của MUSEUM OF TERROR khiến cho nó càng trở nên rùng rợn hơn, và nếu bạn là người yếu bóng vía, rất có thể MUSEUM OF TERROR sẽ ám ảnh các giấc mơ của bạn.

1 nhận xét:

Ken Shushin nói...

Toàn những bộ Manga hay kinh điển không hà :3


https://chuuniotaku.com

Đăng nhận xét